Thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023-2024 của trường PTDTBT TH&THCS số 1 Kim Thuỷ, sáng ngày 23 tháng 5 năm 2024, được sự nhất trí của đồng chí Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Nhà trường, trường PTDTBT TH&THCS số 1 Kim Thuỷ tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho học sinh từ khối 1 đến khối 9, tham quan di tích lịch sử địa phương.
Chỉ mới 6h30 phút, thế
nhưng sân trường đã ồn ào náo nhiệt. Tất cả các thầy cô giáo và toàn thể học
sinh đã có mặt đông đủ. Sau những ngày miệt mài đèn sách cho kì thi học kì 2
kết thúc, các em như đang đón chờ ngày này lâu lắm rồi. Phải chăng lịch hoạt
động của Nhà trường đã có từ trước nên ai cũng mong ngóng, chờ trông. Đặc biệt
là các em học sinh khối Tiểu học với khuôn mặt rạng rỡ, luôn nở những nụ cười
tươi xinh, đứng tụm năm, tụm ba giữa sân trường. Sau tiếng trống tập trung, các
em đã xếp hàng ngay ngắn trong trang phục áo trắng, quần tối màu với chiếc khăn
quàng đỏ thắm trên vai. Các thầy cô giáo trong trang phục áo dài thướt tha như
tô thêm vẻ đẹp của một ngày trải nghiệm.
Tất cả đã sẵn sàng.
Đúng 7h15phút, cả đoàn
xe nối đuôi nhau xuất phát từ cổng trường, đi cùng các em trên xe là những thầy
cô giáo chủ nhiệm lớp và các thầy cô giáo trong toàn trường. Đoàn xe bắt đầu lăn bánh cũng là lúc những lời
ca tiếng hát lại vang lên, hát ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngợi Đảng và các anh
hùng liệt sỹ. Dường như nét mặt ai ai cũng hân hoan, rạng rỡ hẳn lên.
Điểm đến đầu tiên là Nhà
lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy. Xe bắt đầu dừng ở bãi
để xe, đoàn người bước xuống và đi từng hàng thẳng tắp trên lối vào nhà Bác.
Các em xếp hàng ngay ngắn và đi theo thứ tự từ lớp nhỏ đến lớp lớn, cuối mỗi
hàng là giáo viên chủ nhiệm. Thầy trò di chuyển đến đầu ngõ, tất cả đều dừng
lại chỉnh đốn lại trang phục để chuẩn bị tiến vào sân nhà của Bác. Vừa bước vào
sân, cảm giác trong lòng của thầy và trò chúng tôi như trào dâng một nỗi niềm bâng
khuâng khó tả xen lẫn lòng tự hào về người con ưu tú của quê hương. Tiếp đón
chúng tôi là người thân trông coi nhà Bác cùng chị hướng dẫn viên. Tất cả đều
hướng mắt lên di ảnh của Người được đặt trang trọng giữa gian nhà ba gian hai
chái trông vô cùng giản dị nhưng toát lên một vẻ nghiêm trang đến lạ thường.
Thầy trò xếp hàng thay nhau vào thắp nén nhang tưởng nhớ đến Bác. Sau đó, chúng
tôi đứng quây quần xung quanh ngôi nhà của Bác lắng nghe chị hướng dẫn viên ôn
lại tiểu sử về ngôi nhà, về gia đình nơi Bác sinh ra và lớn lên. Từng lời nói
của chị như giúp chúng tôi hình dung lại cuộc kháng chiến vĩ đại thần thánh của
dân tộc ta. Hình ảnh tên tướng Pháp xin hàng và lá cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm
Đờ Cát như nhắc nhở chúng ta cần phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân
tộc, sống xứng đáng là con cháu của Người.
Rời nhà Đại tướng, thầy
trò chúng tôi lại đến thăm Nhà truyền thống huyện Lệ Thủy. Đây là nơi lưu giữ
những hình ảnh đẹp của quê hương về truyền thống người dân Lệ Thủy cần cù, chất
phác nhưng vô cùng dũng cảm. Đến đây, chúng tôi được ngắm nhìn những bức ảnh
ghi lại đời sống vật chất và tinh thần của con người Lệ Thủy. Các vật dụng từ
cối, chày, lọ, bình…được trưng bày một cách cẩn thận. Chị hướng dẫn viên ôn lại
truyền thống đánh giặc gìn giữ quê hương và những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ,
những hoạt động văn hóa văn nghệ và nét đẹp về truyền thồng quê hương cho thầy
trò chúng tôi. Tất cả đều chăm chú lắng nghe xen lẫn niềm tự hào vì mình được
sinh ra và lớn lên trên quê hương Lệ Thủy, là con cháu của mảnh đất anh hùng.
Điểm đến tiếp theo là
khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc ở vị trí có phong cảnh sông nước hữu tình trên
địa bàn xã Trường Thủy của huyện Lệ thủy. Khu lăng mộ nằm giữa núi rừng bạt ngàn
trong màu xanh ngát của quê hương. Nơi đó là
khung cảnh vô cùng yên bình, đằng sau dựa vào dãy núi An Mã, mặt trước hướng về
dòng sông Kiến Giang thơ mộng. Sự tồn tại của lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh là một
báu vật thiêng liêng, đầy tự hào của người dân Lệ Thủy nói riêng và người dân quê
hương Quảng Bình. Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh không chỉ là một Di tích lịch sử cấp
quốc gia gắn liền với nét văn hóa của vùng đất nơi đây mà còn là điểm tham quan
du lịch thu hút nhiều du khách khắp mọi miền đất nước.
Đến thăm lăng mộ của
ông, thầy trò chúng tôi lại có dịp ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của
ông cha ta thủa trước. Hiểu biết hơn về vị đại thần góp công lớn khai phá vùng
đất Nam bộ. Lễ
Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần đời
chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông sinh năm 1650 tại làng phúc Tín, huyện phong Lộc,
tỉnh Quảng Bình (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Sinh ra trong hoàn
cảnh nước nhà đang thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, từ nhỏ Nguyễn Hữu
Cảnh nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn võ song toàn và sớm có chí lập
thân, lập nghiệp. Lớn lên, Nguyễn Hữu Cảnh đã từng theo cha tham gia nhiều trận
mạc, lập nhiều chiến công, được mọi người kính trọng, nể phục, được Chúa
Nguyễn trọng dụng, phong tước Lễ Thành Hầu và giao giữ chức Cai cơ.
Sinh ra và lớn lên ở
vùng quê Quảng Bình giàu tinh thần nhân nghĩa, có truyền thống chất phác, cần
cù, chịu thương, chịu khó, dù ở cương vị nào, Nguyễn Hữu Cảnh cũng lấy dân làm
gốc, ông luôn gần dân và có một mong ước lớn lao nhất là làm cho dân được an cư
lạc nghiệp trên vùng đất mới. Cho nên từ những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng
đất phương Nam cho đến cuối cuộc đời, Nguyễn Hữu Cảnh luôn lấy tinh thần đoàn
kết, tình tương thân tương ái để chiến thắng mọi khó khăn, cản trở. Chính điều
đó đã làm cho tên tuổi và sự nghiệp của ông sống mãi trong lòng nhân dân Quảng
Bình và bao thế hệ người dân Nam Bộ.
Đúng 10h30’, thầy trò
rời khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh và dừng chân tại cổng trường, kết thúc buổi
tham quan trải nghiệm. Buổi trải nghiệm đã để lại trong lòng chúng
tôi ấn tượng khó quên về những năm tháng, những con người, những vùng đất mà ta
yêu quý. Thông qua hoạt động trải nghiệm giúp các em hiểu biết thêm về di tích
lịch sử của quê hương, từ đó mở rộng kiến thức, tăng thêm sự hiểu biết. Thông
qua hoạt động trải nghiệm để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, giúp các em
học sinh có cách nhìn mới trong học tập và rèn luyện để đạt được kết quả tốt
hơn. Đồng thời xây dựng cho các em một số kỹ năng trong các hoạt động tập thể,
rèn kỹ năng sống cho các em, tạo cơ hội được giao lưu, xây dựng tình đoàn kết
tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Buổi trải nghiệm kết thúc nhưng dư âm
của nó vẫn còn đọng lại trong lòng thầy trò chúng tôi. Hy vọng trong những năm
tiếp theo, các em sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn nữa để
nâng cao nhận thức, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và đặc biệt là trau dồi
vốn kĩ năng sống cho học sinh trong toàn trường.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI TRẢI NGHIỆM
Hình ảnh giáo viên và học sinh thắp
nhang viếng Đại tướng
Tập thể cán bộ giáo
viên chụp ảnh lưu niệm tại nhà Đại tướng
Tập thể giáo viên và học sinh chụp ảnh
lưu niệm tại nhà Đại tướng
Giáo viên và học sinh tham quan Nhà
truyền thống của huyện
Giáo viên và học sinh tham quan Nhà
truyền thống của huyện
Giáo viên và học sinh chụp ảnh lưu
niệm tại Nhà truyền thống
Giáo viên và học sinh tham quan khu
lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh
Tập thể giáo viên chụp ảnh lưu niệm tại
khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh