Khi
cả hậu phương miền Bắc hướng về miền Nam, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình trở
thành hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây hội tụ đủ các
tuyến giao thông chiến lược Bắc – Nam, đặc biệt là nơi xuất phát của tuyến
đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bao nhiêu sức người, sức của
chi viện cho tiền tuyến và hai nước bạn Lào và Cămpuchia đều phải vận chuyển
qua vùng đất này. Bởi vậy, địa bàn tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trở thành
trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Trong 8 năm chúng đã trút xuống mảnh đất
“cán xoong” dài và hẹp này hàng vạn tấn bom nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền
Bắc XHCN cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Trong
lúc bị địch đánh phá ác liệt như vậy để đảm bảo giao thông ở vùng tuyến lửa là
hết sức khó khăn. Nếu như giữ vững mạch máu giao thông vận tải từ Bắc vào Nam
thì cách mạng miền Nam sẽ phát triển thuận lợi và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước sẽ nhanh chóng kết thúc. Nhận thức được điều này, ngay khi đế quốc Mỹ mở
cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến
đường, Bộ Giao thông Vận tải chủ trương mở thêm nhiều tuyến đường mới trên địa
bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là các tuyến đường ngang, đường tránh tạo thành
một mạng lưới giao thông thông suốt đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
1. Đường ngang 16
Được khởi công từ năm 1958 và hoàn thành
vào năm 1960, tuyến đường 16 chạy từ ngã tư Thạch Bàn (Phú Thủy) đến làng Ho, dài 40 km rồi lấn dần đến dốc
Khỉ dài 50 km, đây là đoạn đường dành cho xe cơ giới. Rồi từ Dốc Khỉ vượt qua đèo
1001 vào đến sông Sê - băng- hiêng, dài 34 km, đoạn đường này rộng 1,5 km dành
cho xe thồ.
Nằm
trên tuyến đường vượt Trường Sơn, đường 16 cũng như đường12A, đường 20, đường
10, nhưng đường 16 là tuyến đường xuất hiện khá sớm và mang ý nghĩa riêng: Là tuyến
đường ngắn nhất đến vĩ tuyến 17 và là con đường kết nghĩa của ba tỉnh Bình –
Trị - Thiên. Trên tuyến đường này có nhiều trọng điểm bị địch tập trung đánh
phá ác liệt như ngã tư Thạch Bàn, Bang, Làng Ho…
Đường 16 xuất phát từ ngã tư Thạch Bàn (Phú
Thủy – Lệ Thủy). Trong những năm 1968 – 1973, Thạch Bàn là nơi thường xuyên bị
không quân, hải quân Mỹ tập trung bắn phá ác liệt. Bởi đây là điểm xuất phát
của đường 16, con đường chiến lược nằm sát giới tuyến quân sự, trực tiếp và
ngắn nhất chi viện cho chiến trường Miền Nam. Ngã tư Thạch Bàn còn là điểm xuất
phát của tuyến đường Thạch bàn – Khe Hó, là tuyến đường đầu tiên của binh đoàn
559. Đó cũng là nơi đóng quân nhiều năm liền của Trung đoàn ô tô vận tải 13
(đoàn 559), nơi đặt sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn năm 1973.
2. Điểm di tích lịch
sử, danh thắng suối nước khoáng Bang.
Cách ngã tư Thạch Bàn
khoảng 10 km về phía Tây là suối nước khoáng Bang. Trong kháng chiến chống Pháp
đây là chiến khu của huyện Lệ Thủy. Rộng rãi và kín đáo, lại có cả suối nước nóng
thuận lợi cho ăn ở sinh hoạt và điều trị cho thương, bệnh binh.
Tháng 8 năm 1963, ban quân y 559 được thành lập, bệnh xá của Đoàn đặt tại Bang.
Từ năm 1973, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên -
Tư lệnh đoàn 559 đã cho xây dựng ở đây trạm điều dưỡng phục vụ cho bộ đội
Trường Sơn và các chiến sĩ thương, bệnh binh từ các chiến trường trở về. Ngày
nay, cùng với Phong Nha – Kẻ Bàng, Nhật lệ, Vũng Chùa – Đảo Yến khu du lịch
nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang chính là một trong bốn khu vực du lịch chính của
tỉnh Quảng Bình.
3. Điểm di tích làng Ho
Nằm phía
tây Trường Sơn hùng vĩ, trong những năm chống Mỹ, làng Ho là địa điểm tập kết,
chuyên chở hàng hóa vào chiến trường Khe Sanh, đường 9 Nam Lào... Vì vậy, cũng
như các địa điểm khác trên đường 16, làng Ho cũng là một trọng điểm bắn phá của
Mỹ. Khu hậu cứ làng Ho được ví như một hậu phương thu nhỏ. Năm 1960, Đoàn 559
đã xây dựng khu hậu cứ ở đây gồm sở chỉ
huy, kho chứa hàng, trạm khách, bênh xá, trại sản xuất...Tại tấm bia đặt bên
đường Trường Sơn Tây còn ghi rõ: (“Làng Ho – Tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt
sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho
chiến trường Trị - Thiên và khu V từ năm 1959 – 1962. Năm 1966, 1967, TNXP
Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn – Làng Ho, Làng Ho – Khe Sanh, làng Ho
– Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho
là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào 1971”.....
Từ khi ra đời cho đến khi hoàn thành sứ
mệnh lịch sử của mình, đường 16 – tuyến đường mang tên Thống Nhất, tuyến đường
vượt Trường Sơn ở vùng cực nam Quảng Bình cùng với những tuyến đường dọc, đường
ngang hòa nhập với hệ thống đường mang tên Bác, tiến sâu vào chiến trường, nối
liền hai miền Nam – Bắc và ba nước Đông Dương, đế quốc Mỹ cho dù đã huy động
tất cả sức lực, sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại vẫn không thể phá
hủy được những tuyến đường len lỏi giữa đại ngàn Trường Sơn và cuối cùng chúng
phải thừa nhận: “ Chúng ta có thể làm cho việc vận chuyển chi viện chậm lại,
bắt họ trả giá cao nhưng chắc chắn chúng ta không ngăn được họ”
Và hôm nay, khi Đảng và Nhà nước có những
chính sách quan tâm và hỗ trợ đường 16 được nâng cấp, mở rộng nó đã góp phần
làm thay da đổi thịt cuộc sống của bà con Vân Kiều ở xã Kim Thủy vốn còn nhiều
khó khăn này.
4. Binh Đoàn 559
Gắn với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại
và những tuyến đường vượt Trường Sơn là đoàn 559. Đoàn được thành lập vào tháng
9 năm 1959 được gửi vào Nam để xây dựng hệ thống đường Trường Sơn – hệ thống
đường tiếp tế từ Bắc vào Nam. Lực lượng ban đầu là Tiểu đoàn giao liên D103 với
440 người, đoàn trưởng là thượng tá Võ Bẩm.
Nhiệm vụ của Đoàn là vừa vận chuyển vừa mở
đường hành quân. Trong thời kì chiến tranh Đoàn 559 đã mở hàng ngàn kilômét
đường chiến lược Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, tiến hành hàng chục nghìn
trận chiến đấu phòng không, chống biệt kích, càn quét của địch, bắn rơi nhiều
máy bay… và vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng và bảo đảm con đường hành quân cho
người và các phương tiện kĩ thuật vào các chiến trường. Sau năm 1975, Đoàn 559
được tổ chức thành Binh đoàn 12 với nhiệm vụ xây dựng lại Đường mòn Hồ Chí Minh
thành tuyến đường phục vụ kinh tế, quốc phòng.
Chiến
tranh đã lùi xa, Kim Thuỷ hôm nay đã khoác lên mình một sắc màu mới nhưng dư âm
của quá khứ vẫn còn đâu đó trong mảnh đất, con người nơi đây.
Thu Hà
(sưu
tầm và giới thiệu)