Xin gửi đến các thầy, cô giáo đã từng dạy và nâng bước cho con!
Khi đặt bút viết những dòng chữ này, bỗng dưng, trong tâm trí con tràn đầy hình ảnh tuổi thơ mình nhiều năm về trước. Sự rụt rè, bỡ ngỡ khi đặt chân vào lớp 1, ánh mắt ngơ ngác năm lớp 2, cảm giác lạ lạ quen quen khi mặc áo đồng phục mới năm lớp 3, sự gắn kết thương yêu năm lớp 4, kể cả những giọt nước mắt chia xa năm lớp 5, và cả những năm đầu chập chững thực dạy tại trường.
Chặng đường mà chúng ta đã đi qua,
cùng với nhau, là quãng thời gian đẹp nhất, là thanh xuân trong mỗi cuộc đời của
chúng ta. Dẫu biết trong đó, không biết bao nhiêu lần làm thầy cô thất vọng,
làm mắt thầy cô ngấn lệ mà quên nói lời xin lỗi; cũng không biết bao nhiêu lần
làm mắt thầy cô nở nụ cười. Nhưng tất thảy đối với con, những lời nhận xét, góp
ý đó chính là động lực giúp con tiến bước từng ngày.
Còn nhớ những năm chập chững bước
vào lớp 2, được làm học trò của thầy giáo Trần Chí Linh, ai cũng lấy đó làm niềm
tự hào. Thầy lúc đó là một giáo viên trẻ, mặc áo trắng tựa nam sinh, gắn với thời
đại đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng điểm số (đối với môn Toán và môn
Tiếng Việt là chủ yếu) và nhận xét (đối với các môn học: Đạo đức, Nghệ thuật,....).
Thầy chẳng phải là người dễ tính chút nào, những bài tập thầy giao là phải làm
tất. Vì đánh giá kết quả học tập của chúng con bằng điểm số, nên trong đầu con
luôn có một thắc mắc, kể cả khi thầy trò đã làm đồng nghiệp: "Tại sao bài toán của con chỉ có 7 điểm?"
Có thể vì một chút kí ức mơ hồ, một
chút ngây thơ khờ khạo của đứa trẻ, con vẫn chưa hiểu hết được. Nhưng nếu đặt
hoàn cảnh ấy trong thời đại của TT22/2016TT- BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016, Thông
tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh Tiểu học ban
hành kèm theo TT30/2014TT- BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ giáo
dục và Đào tạo, nay được thể hiện bằng văn bản hợp nhất số 03/ VBHN - BGDĐT
ngày 28 tháng 9 năm 2016 ban hành quy định đánh giá học sinh Tiểu học, thì chắc
chắn rằng, con sẽ hiểu mình thiếu sót ở chỗ nào, cần sửa sai những gì qua những
lời góp ý của thầy, của bạn và của mình, phải không thầy nhỉ?
"Lọt" vào học khối lớp 5 với danh hiệu học sinh Giỏi,
"suýt" chút nữa được học với thầy giáo Lê Hồng Sơn. Thầy hiện nay là
Tổ trưởng chuyên môn Tổ 3, 4, 5 cấp Tiểu học trường PTDTBT TH&THCS số 1 Kim
Thủy mà con đang công tác. Đến khi gặp lại thầy, vẫn bỡ ngỡ và không hiểu sao,
thầy giáo của mình năm xưa lại trẻ đến thế.
Vẫn phong thái nhẹ nhàng mà cứng rắn, thầy qua nhiều năm lái đò số 5 (dạy
lớp 5) với những bài giảng say sưa, luyện rèn. Thầy rèn đúc cho học sinh của
mình những năng lực, kĩ năng cơ bản của môn học, của cuộc sống, nhưng chẳng phải
bằng Quyết định số 37/2002 QĐ- BGDĐT hoặc là Thông tư số 32/TT - BGDĐT năm xưa
nữa, mà thầy sẽ động viên, khích lệ sự tiến bộ của học sinh từng ngày bằng
chính lời nhận xét qua Thông tư 22/2016 TT - BGDĐT (rõ hơn là ở văn bản hợp nhất
số 03/VBHN - BGDĐT ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
quy định đánh giá học sinh Tiểu học).
Kỉ niệm, nỗi niềm thì nhiều lắm, nó
cứ ùa về, ùa về và hiện lên, hiện lên trong tiềm thức mỗi khi gặp lại các thầy
giáo, cô giáo ở nơi đây: Thầy Lay, thầy Vương, thầy Lộc, thầy Nhàn, thầy Do,...
Để khi đã là một giáo viên trẻ, các thầy, các cô vẫn cứ bao bọc, dạy dỗ cho con
từng chút, từng ngày. Để khi hiểu được nỗi niềm của các thầy, cô giáo, dù đã
lái được hai chuyến đò sang sông, nhưng vẫn tự hứa sẽ cố gắng thật nhiều; tự học,
tự tìm tòi, biết nhiều hơn về kĩ năng sống, về công tác chuyên môn để dẫn học
trò của mình đi đúng hướng, khích lệ và động viên các em học tốt qua từng ngày,
nhất là đối với học sinh vùng cao.
Dưới tán lá bàng xanh mát của một
ngôi trường đang trên đà khởi động trường Chuẩn Quốc gia, đứa học trò ngây ngô,
khờ khạo ngày ấy không còn nữa; giờ đã hòa vào cùng tốp "kĩ sư tâm hồn" của tổ 3, 4, 5 cùng tụ
họp, cùng nghiên cứu và học tập những điểm
mới từ thông tư 22/2016 TT- BGD ĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016, thông tư sửa đổi,
bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh Tiểu học ban hành kèm theo
TT30/2014 - TT BGD ĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào
tạo (hay nói rõ hơn là ở VBHN số 03)
Những điểm mới từ TT 22/2016 TT - BGDĐT
Phác họa ra những điểm mới, thầy và
trỏ cả tổ cũng tập thiết kế đề kiểm tra theo sự đổi mới của TT22/2016TT - BGDĐT
thể hiện qua văn bản hợp nhất sô 03/VBHN - BGDĐT Quy định đánh giá học sinh Tiểu
học, phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và trình độ của học sinh ở nơi đây. Đề
kiểm tra được thiết kế theo 4 mức: biết,
hiểu, vận dụng thông thường và vận dụng sáng tạo. Cuối học kì và cuối năm học,
các em sẽ được tham gia kiểm tra, đánh giá. Riêng đối với học sinh khối 4, 5 có
thêm bài kiểm tra giữa kì đối với môn Toán và môn Tiếng Việt.
Đề kiểm tra được thiết
kế theo 4 mức: Biết, hiểu, vận dụng thông thường và vận dụng sáng tạo
Những
ngày được học tập và dạy dỗ ở đây, con đã trưởng thành lên nhiều về cả kinh
nghiệm giảng dạy lẫn kĩ năng cuộc sống. Thiết nghĩ, sự ra đời của thông tư 22 có
thể sẽ vất vả cho các giáo viên, nhưng sẽ là điểm nhấn giúp học sinh học tập tốt.
Các em sẽ được tự học, tự giải quyết vấn đề; tự đánh giá và tham gia đánh giá;
được sửa sai và được góp ý thường xuyên, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng... Và
sẽ không còn câu hỏi non nớt ngày nào "Tại
sao con chỉ được 7 điểm?" mà sẽ thay vào đó là "Con tự nhận thấy mình thiếu cẩn thận trong
tính toán, con sẽ cố gắng nhiều hơn" hay "từ những lời góp ý của bạn, của thầy, con đã biết mình sai và nên sửa ở chổ nào" giống như các
em học sinh đang thực hiện để từng tiết học, từng ngày học, từng tuần học,.. để
được tiến bộ hơn, tự tin hơn. Và sau này
cho dù có già đi, vẫn nhớ rằng có một nơi đã khiến con lắng lại.
Nói với mình: Nhiều khi đã tự vấn, tự
thán và tự vỗ về vì chọn nghề giáo. Cứ mỗi sáng sớm, lại xách ba lô lên và đi,
lại đầy những cảm xúc khó tả. Rồi đêm về nằm nghe tiếng mưa trong căn phòng ẩm,
dột, lạo xạo cơm hộp, mì tôm lại à ơi một giấc mơ xa. Đôi lúc, muộn phiền vì bốn,
năm, sáu, bảy đứa học trò, vì cái nghiệp mà mình nặng tình theo đuổi. Đã nghĩ,
cái nghề gì mà lắm ưu tư....
Nói với những bạn đồng nghiệp cũng
trót gieo và lỡ lòng yêu thương nghề giáo, rằng đã chọn thì là nhân duyên, nghề
giáo chắc sẽ tròn 100 sắc thái. Vui hay buồn, mỏi mệt hay nhẹ nhàng, thư thái,
tĩnh - động. Tất cả đều là những cảm xúc đẹp, miễn sao ta biết tri diện được nó
để đón nhận, để ôm ấp và thấu cảm. "Hạt" nào đã đủ sức mạnh để đứng vững
chãi, hãy bắt đầu một hành trình nghiên cứu, học hỏi và tìm ra những phương
pháp hiệu quả để gieo tri thức cho học trò. "Hạt" nào còn yếu ớt hãy nương
nhờ đất Mẹ chở che, để đến lúc nào đó bật tung lớp vỏ khô cằn, đón lấy sự sống
và bắt đầu một hành trình bình yên nhất.
Nói với "người bạn lớn" sắp đã nghỉ hưu. Mấy hôm nay, ở chính nơi
"người bạn lớn" đã học nghề,
làm nghề và dạy nghề, nghe không biết bao nhiêu lời trân quý. Nghe mà mát lòng
mát dạ. Nghe mà muốn khóc. Đi một hành trình dài như thế, Người đã sống thật trọn
vẹn với nghề. Người cho con thấy, nghề giáo chả cần nói đến từ sướng khổ, chỉ cần
được trân trọng và thương yêu, đó là hạnh phúc. Chơi chữ một chút thì đúng là
"Đức đã Nhuận" rồi.
Nói với những học trò đặc biệt ở nơi
đây, lâu nay phiêu bạt cũng nhiều; làm nhiều nghề, đi nhiều nơi, xa nhất cũng
Bình Dương, Đà Nẵng. Cũng chỉ ước nguyện được dạy dỗ trên chính quê hương của
mình. Mấy năm nay có lẽ cũng thỏa lòng ước ao. Tiền thì không đầy túi, nhưng
nghĩa tình thì trọn vẹn ắp đầy. Vì vậy, hãy đón nhận sự yêu thương ấy để lớn
thành người. Hãy học, học khi có thể để tám, chín, mười năm sau đó, lại trở về
gieo mầm xanh trên chính đất Mẹ của mình.
Lại nói với bản thân và những người
thầy, cô giáo cũ. Cảm ơn vì đã chọn một hành trình đủ để lắng đọng, đủ để xao
xuyến và sau tất cả, luôn thấy mình có ích với đời người./.
Kim Thủy, ngày 15 tháng 10 năm 2018
Mai Thị Thúy