Trong cuộc hành trình của một con người,
không phải lúc nào cũng dễ dàng để tìm được một nơi mà bạn có thể gắn bó và yêu
thương. Đối với người giáo viên, việc cảm nhận về ngôi trường và thể hiện tình
cảm của mình đôi khi quan trọng hơn bất cứ điều gì. Thời gian trôi qua thật nhanh! Một ngày dịu dàng
của tháng tám mùa thu năm 2015, cầm quyết định trên tay để đến với ngôi trường
này, bao cảm xúc cứ lẩn lộn, ngôi trường thuộc địa phận xã Kim Thủy - Một mảnh đất còn nhiều khó
khăn. Đặc biệt, năm học này tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi
mới căn bản toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa - hiện đại hóa
trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập Quốc tế, nâng
cao chất lượng hiệu quả giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào
thi đua". Tôi luôn thầm nghĩ: “Chắc
đến trường mới sẽ còn nhiều vất vả, khó khăn. Đối tượng học sinh, phụ huynh và
đồng nghiệp sẽ khác hơn rất nhiều.”
Trang đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi được mở ra ở nơi đây- một nơi mà
không ngờ mình lại có quãng
thời gian gắn bó lâu dài, sâu sắc đến thế. Tôi tự nhủ với lòng mình, có lẽ đây
chính là nơi tình yêu bắt đầu. Vậy là đã gần mười năm, kể từ ngày đầu tiên tôi
đặt chân đến một ngôi trường vùng cao thuộc xã Kim Thủy. Mười năm không phải là một khoảng thời
gian dài nhưng cũng không ngắn mà nó vừa đủ để tôi có rất nhiều kỉ niệm với
nhiều cung bậc của những cảm xúc vui buồn, trong đó có cả sự trăn trở. Trong
mối quan hệ với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp… có bao điều để nhớ. Mười năm
làm “người lái đò”, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm vui nhưng cũng có những kỉ niệm
buồn, có những kỉ niệm lắng đọng mãi trong tim. Và đặc biệt, sau mỗi buổi học,
hình ảnh các cô cậu học trò nhỏ ấy lại ùa về nguyên vẹn.
Vạn
sự khởi đầu nan!
Chắc hẳn cái cảm xúc
của những ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề ai cũng có và tôi cũng không
ngoại lệ. Bước chân lên trường nhận
công tác, tôi được phân công chủ nhiệm một lớp mà phần lớn các em học
sinh là người dân tộc thiểu số. Ngày ấy,
tôi là cô sinh viên mới ra trường. Tôi đến trường để dạy buổi học đầu tiên
vào một ngày mùa thu nắng đẹp với tâm thế sẵn sàng đón chờ những điều
mới mẻ, tôi đã háo hức biết nhường nào! Sẵn sàng là thế, háo hức là thế nhưng
tôi cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lo lắng khi đặt chân đến ngôi trường mà
đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Không bỡ ngỡ sao được khi tôi chưa từng gặp lãnh
đạo nhà trường và các đồng nghiệp nơi đây. Không lo lắng sao được khi chẳng
biết làm như thế nào để bắt nhịp với cường độ công việc mà tôi sẽ được giao, và
không biết bản thân có nhanh chóng hòa đồng được với các đồng nghiệp trong
trường hay không? Ngày đầu tiên làm quen với lớp, do mới làm quen học sinh và
bận bịu những công việc đầu năm học nên tôi chưa thể tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của
từng học sinh. Tuần đầu của năm học mới, tôi thấy các em luôn đi học muộn. Khi
tôi hỏi lí do thì các em đưa ra hết lí do này đến lí do khác, có em do mẹ bận
nên không có ai đưa đi học, em thì trả lời rằng mẹ em ngủ dậy trễ, có em lại
viện lí do hôm nay nhà có việc nên đi học muộn. Tôi thiết nghĩ điều đáng làm
bây giờ là mình phải trực tiếp đến gặp phụ huynh học sinh để nắm bắt hoàn cảnh
của các em. Và sau suy nghĩ đó, tôi đã quyết định tìm đến nhà của các em. Từ
nhà phụ huynh ra về, trong lòng tôi rất buồn vì không nhận được sự hợp tác. Tuy
vậy, tôi cũng luôn tự nhủ mình không nên vì thế mà bỏ cuộc bởi lương tâm của
một nhà giáo không cho phép tôi làm vậy. Từ hôm ấy trở đi, tôi cố gắng hết mình
để giúp đỡ học sinh. Song trong quá trình dạy học với đặc điểm của học sinh là
người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu bài của các em còn hạn chế nên rất
khó dạy và bản thân tôi cũng không tránh khỏi những tiếng la to, trách móc,
than phiền… Có lần tôi còn bắt học sinh chép phạt thật nhiều trang giấy nữa.
Các em vừa viết vừa khóc, ánh mắt tức tối, giận hờn lộ rõ trên khuôn mặt khi
đem bài chép phạt lên nộp cho tôi. Lúc ấy tôi chỉ khuyên em nên đi học đúng giờ
nhưng thật sự trong lòng tôi có chút gì đó khó chịu, bực bội vì phụ huynh không
quan tâm đến con, còn “khoán trắng” cho giáo viên và xem như đó là chuyện bình
thường. Vậy mà chỉ sau hơn một tháng tôi đã cảm thấy hoàn toàn thân thuộc với
nơi đây. Vì sao ư? Vì ngay ngày đầu tiên về trường tôi đã được các thầy cô trong
Ban giám hiệu nhà trường tiếp đón rất thân thiện, chính họ đã tạo cho tôi có
tâm lý thoải mái nhất để không còn cảm giác bỡ ngỡ và lo âu như lúc đầu. Sự gần
gũi của các đồng nghiệp mà đồng chí chủ tịch công đoàn vẫn nói vui là “ma cũ”
giành cho những “ma mới” như tôi. Tiếp xúc với họ tôi không còn thấy khoảng
cách của những người xa lạ nữa mà thay vào đó là sự ân cần, trìu mến như người
nhà.
Thật sự, đến giờ tôi không thể nào quên được, con đường đất đỏ từ
nhà đến điểm trường 25 km, làm sao tôi có thể vượt qua được theo năm tháng. Mùa
nắng thì bụi bám vàng áo, mùa mưa thì lầy lội phải đi bộ dắt xe. Bản xứ ngày ấy
heo hút, hoang sơ với con đường miền núi nhỏ hẹp, cả ngày chỉ vài chuyến xe
qua. Ngôi trường nằm giữa rừng keo tràm, chỉ có một dãy năm phòng học không lấy
gì làm khang trang. Khu tập thể lại càng eo hẹp hơn. Đồng lương ngày đó rất hạn
hẹp. Nhưng tôi vẫn đến với học sinh bằng tất cả tấm lòng và nhiệt huyết tuổi
trẻ, trong tình cảnh cơm đùm gạo bới mỗi ngày. Khổ nhọc là thế, mà sao mỗi lần
bồi hồi kể về ký ức, trong tôi vẫn rạo rực niềm hạnh phúc đến khó tả.
Và tôi đã trưởng thành!
Công việc giảng dạy của tôi cứ thế trôi
qua cho đến tuần thứ 12 của chương trình, và một điều tôi nhận thấy ngay trước
mắt mình là dưới những dòng chữ các em vẽ thêm một khuôn mặt buồn với biểu
tượng hai hàng nước mắt. Tôi giật mình vì chưa bao giờ ánh mắt tôi lại đắm chìm
trong tình huống này. Mắt tôi nhòe đi, dòng cảm xúc đang dâng trào trong mình. Buổi
trưa hôm đó, tôi ở lại cùng các em. Tôi hỏi han các em về hoàn cảnh gia đình.
Các em kể về gia đình mình với ánh mắt ngây thơ trên khuôn mặt của những đứa
trẻ vùng cao. Nghe các em kể, mắt tôi lại nhòe đi, cổ họng nghẹn cứng, sóng mũi
cay cay, tôi cố quay mặt giấu đi những giọt nước mắt của mình. Có đôi lần các
em đến lớp bằng đôi chân trần. Ngẫm lại, tôi thấy mình vô tình quá! Hôm ấy, tôi
rời trường với nhiều cảm xúc, thương các em thật nhiều. Từ đó tôi hiểu thêm:
học trò của tôi sau này chắc sẽ còn có nhiều em có hoàn cảnh thật đáng thương.
Suốt thời gian dạy học, tôi cố gắng giúp các em trong khả năng có thể. Các em
cảm thấy rất vui, nhưng sao tôi vẫn nhận ra sự không mạnh dạn trên khuôn mặt
của từng em. Thời gian cứ thế trôi qua, vào một buổi chiều tôi về muộn, sân
trường vắng vẻ không còn ai, chỉ còn tiếng xe cộ qua lại của dòng người hối hả
về nhà sau một ngày làm việc. Từ hôm ấy trở đi tôi dành nhiều sự quan tâm hơn
đến các em. Tôi động viên, khuyến khích các em nhiều hơn trong học tập, tâm sự
chia sẻ với học sinh nhiều hơn để các em tự tin trong cuộc sống. Và kết quả đã
vui hơn và các em cũng có nhiều cố gắng hơn trong học tập.
Và rồi, hành trình
trưởng thành trong nghề của tôi gắn liền với kinh nghiệm và bản lĩnh của thầy
cô đã trao truyền thời đi học đại học. Nhiều bài học đã trở thành hành trang
đích thực để có thể giúp tôi được chấp nhận khi làm nghề giáo. Đó chính là sự
logic trong tư duy thông qua phương pháp trước khi trình bày, diễn đạt hay diễn
giải mà tôi học được thông qua một cô giáo đáng kính. Đó là hơi thở của cuộc
sống và sự định hướng mầm sống của tri thức khi phả hơi thở của cây đời xanh
tươi mà tôi sở hữu được từ một cô giáo khác rất hiện đại và cực kỳ thân thiện.
Hay đó còn là những kỹ thuật tương tác để phá băng trong lớp học, cách khơi gợi
và động viên người học và hàng loạt những sự nghiêm khắc hay yêu cầu cao trong
làm việc, học tập và nghiên cứu đều được khai thác khi trở thành giáo
viên. Bài học để học giờ lại là bài học để làm, bài học để làm nghề lại là bài
học để tiếp tục được nhân lên. Phong cách, sự rõ ràng trong mối quan hệ, sự
quyết liệt trong xử lý vấn đề và sự nhạy cảm tương tác với từng đồng nghiệp,
với từng người học là bài học quá lớn mà người làm nghề giáo trẻ có được…
Thế đó, trong dòng
chảy cuộc đời, những khi tĩnh lặng, chúng ta hãy miên man nghĩ rằng: “nghề
chúng ta chọn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Hãy yêu ghề bằng
tình thương và trách nhiệm, đời sẽ cho ta nhiều quả ngọt. Những hành động, cử
chỉ, lời lẽ của người thầy có tác động to lớn đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách của học trò. Hôm nay đây,
chúng tôi - những người thầy được ví như một nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng những
“kịch bản” đôi lúc lại nằm ngoài giáo án của thầy. Chính vì thế ngoài sự khéo
léo truyền đạt cho các em về kiến thức bài vở, người thầy cần nhấn mạnh đến ý
thức học tập, ý thức bản thân trước gia đình và xã hội. Để qua mỗi bài giảng,
mỗi lời nói, cử chỉ của thầy có những tác động tích cực đến những tâm hồn thơ
trẻ của các em. Bên cạnh những dòng cảm xúc đó, đặc biệt sau các buổi hội nghị chi
bộ, công đoàn và hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học từ đây tôi cảm thấy
phấn khởi, tự hào để viết lên những dòng tâm sự của mình về sự thay đổi của một
ngôi trường trên đất vùng cao, có lẽ ao
ước của tôi gần như đã trở thành hiện thực.
Chợt nghĩ về hành trình đã qua, càng thấy rằng sự trưởng thành không
phải là nhiều hơn tuổi hay đủ tuổi, cũng hoàn toàn không phải là chúng ta có
được gì mà là chúng ta đã có gì trong tâm trí người khác, trong đời sống xã
hội. Nghề giáo lại càng hơn thế, bao nhiêu thế
hệ học trò đã đi qua, bao nhiêu lớp, trường chúng ta đã đến hay bao nhiêu bài
giảng có ấn tượng đến đâu cũng chỉ là con số. Thế nhưng chắc chắn rằng, chỗ
đứng vững chãi nhất của giáo viên là trong tâm trí của học trò, vị trí xứng
đáng nhất của nghề giáo là trong tinh thần và trí tuệ của nhiều thế hệ.
May mắn khi đến với nghề, tôi đã từng là học trò của biết bao thầy cô
tài giỏi và đầy tâm huyết. Dấu ấn của thầy cô đã để lại trong ngôn phong, tác
phong, sự ứng xử với người học, đạo
đức nghề giáo… là hành trình mà tôi đã được cưu mang đúng nghĩa để làm
nghề. Hình ảnh của thầy cô đậm nét hay có thể đã mờ dần nhưng chắc chắn vẫn gắn
chặt với những gì tôi tiếp tục trao - nhận. Những trăn trở của thầy cô về
phương pháp dạy học, hình thức dạy học hay sự tương tác tích cực giữa người dạy
và người học đã là mối quan tâm và hơi thở thường trực để chúng tôi làm nghề và
trân quý nghề mình đã và đang làm mãi mãi. Người ta có nhiều cách để trưởng
thành nhưng chắc chắn không thể trưởng thành đúng nghĩa một cách tự nhiên. Bởi rằng,
với tôi các em học sinh chính là nguồn động lực nhắc nhở, động viên tôi làm tốt
công việc của mình. Đôi lúc gặp học sinh cá biệt cùng với bao công việc mệt mỏi
nhưng nghĩ đến tình cảm dễ thương, chan chứa của học sinh tôi lại phấn chấn lên
và vui vẻ để làm việc có hiệu quả hơn. Tôi thầm nghĩ sự hi sinh thầm lặng của
người thầy sẽ vô cùng ý nghĩa trong việc đào tạo thế hệ trẻ - một sản phẩm giáo
dục hoàn toàn khác hẳn sản phẩm của mọi ngành nghề. Và chính các em, những học
trò tinh nghịch ấy đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Nó giúp tôi yêu nghề
hơn, yêu những đứa trẻ hồn nhiên vô tư. Tình thương, trách nhiệm là kim chỉ nam
hành động, tiếp thêm cho tôi sức mạnh để thực hiện trọng trách cao cả của mình
“người lái đò” thầm lặng cho biết bao thế hệ học sinh…
Dù biết nghề dạy học sẽ có nhiều gian
nan, vất vả. Song, không vì thế mà tôi nản bước. Bởi phía trước tôi là một con
đường dù có khó khăn nhưng đó là con đường tôi đã lựa chọn – là nghề cao quý
nhất trong những nghề cao quý, một nghề đáng yêu nhất. Cứ thế, những hạnh phúc,
những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học cứ đến và đi bất chợt…Có những lúc tôi
“bực mình” khi đọc những bài viết của một vài em vì chữ viết sai nhiều lỗi
chính tả, đặt dấu thanh chưa chính xác nhưng rồi lại đắm chìm trong mạch cảm
xúc của các em bởi có một số nét chữ sáng tạo, mềm mại thể hiện sự ngây thơ,
hồn nhiên của các em. Đôi lúc đọc được những đoạn văn hay, diễn đạt khá mạch
lạc, tự nhiên tôi lại thấy mình giàu có và tự hào, đời còn gì hạnh phúc hơn? Học
trò của tôi, mỗi học trò một tính cách, một ý thức học tập khác nhau. Có những
em học hành chểnh mảng, ham chơi hơn ham học, có những em ham học nhưng trí nhớ
lại không tốt, có những em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện học tập ở
nhà không có. Nhưng tình yêu nghề, trách nhiệm của một người thầy mà chúng tôi
luôn bên cạnh và giúp đỡ các em thay đổi tính tình, ý thức học tập, rồi các em
trưởng thành và học tập tốt hơn.
Và tôi đã yêu thương!
Với tôi, tình yêu
bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống. Và tôi có
một tình yêu thuần tuý với đại gia đình thứ hai - nơi mà có biết bao trái tim
cùng hoà chung một nhịp đập - Trường PTDT BT TH&THCS số 1 Kim Thuỷ.
Người ta thường nhắc về thời thanh xuân như những thước phim đẹp nhất
của cuộc đời. Nơi mà nụ cười là “bạn”, còn nỗi buồn chỉ là “vị khách đường xa”.
Đó là năm tháng của những khát khao, đam mê cháy bỏng. Đó cũng là năm tháng ta
sống hết mình với chính ta, bằng trái tim chân thành và nhiệt huyết nhất. Năm
tháng ấy, tôi hạnh phúc, vì có nơi đây! Là bởi vì ở ngôi trường đó, tôi được
trải cuộc đời mình lên tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không đơn thuần là sự
tương tác qua lại trên phương diện lý tính. Ở đó, tôi được nếm những mật ngọt
của yêu thương, hưởng cái trong lành của sự thanh bình thời trẻ dại.
Ở nơi đó, không phải chỉ là một cuộc đời,
mà biết bao nhiêu cuộc đời đã từng dừng lại, ghé chân rồi ra đi. Ở nơi đó,
không chỉ là mái nhà cho một người mà là một lớp người, cho những lớp người.
Đến và đi, để rồi có bao nhiêu con người đi qua mà còn ngoảnh lại? Tôi có vài
lần gặp lại những người đồng nghiệp cũ, hỏi thăm nhau vài câu rồi vô tình lại
nhắc chuyện xưa cũ. Họ nói thèm được sống những ngày tháng ở nơi đây - mảnh đất
Kim Thủy đầy dấu ấn này. Chỉ có bấy nhiêu mà bao nhiêu là ngọt ngào và hoài
niệm.
Tôi yêu nghề nghiệp của mình đã lựa chọn,
yêu những ánh mắt thơ ngây của bao em học trò đang khát khao vươn lên từ những
đói nghèo, lam lũ cho ngày mai tươi sáng. Có những người đã ra đi mãi mãi, có
những người tóc đã bạc trắng trở về với cuộc sống đời thường, có những người
đang hăng say với sự nghiệp trồng người; còn các em đều có những lựa chọn cho
riêng mình một con đường đi riêng. Nhưng dẫu cho tạo hoá có xoay vần, dẫu cuộc
sống với bao bộn bề, lo toan thì tình thầy trò vẫn luôn đong đầy cảm xúc. Nếu được
chọn lại, tôi vẫn muốn mình là một cô giáo. Tôi
phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới ngôi nhà chung trường PTDT BTTH&THCS số
1 Kim Thuỷ.
Tôi thầm hứa với bản
thân sẽ luôn cố gắng sống hết mình vì niềm mong ước thuở nhỏ… Giờ đây tôi sẽ
yêu và mãi yêu con đường mà tôi đã chọn dẫu biết rằng phía trước không chỉ có
thảm nhung và hoa hồng. Và tôi càng tự tin, vững bước hơn khi bên cạnh tôi luôn
có gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những em học sinh thân yêu và hơn
thế nữa là được làm việc trong môi trường thận thiện, ấm áp tình người.
Tôi hy vọng
qua những sự thay đổi của của mảnh đất đầy tình thương này sẽ làm nền tảng cho
sự phát triển của nền giáo dục huyện nhà nói chung và của xã nhà nói riêng. Có lẽ, mái trường và tất cả những gì nơi đây của 9 năm
qua là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi mà có đi đến đâu, dù thời gian có trôi
qua nhiều biết mấy, phủ bụi và xóa nhòa đi tất cả thì tình cảm dành cho mái
trường vẫn luôn đong đầy và trọn vẹn. Với tôi, nơi đây mãi là dấu ấn một chặng
đường!

Hình 1: Hình ảnh tập
thể HĐSP trường PTDT BT TH&THCS Số 1 Kim Thủy

Hình
2: Hình ảnh GV đến nhà HS vận động HS đến
trường

Hình
3: Hình ảnh HS tham gia trang trí lớp học chào mừng ngày 20/11

Hình 4: HS tham gia
hoạt động trải nghiệm ngoài trời

Hình
5: HS tham gia tiết đọc thư viện


Hình
8: HS tham gia ngày hội HSTH tại trường
